Diễn biến Trận_bán_đảo_Kerch_(1942)

Các cuộc đổ bộ tại bán đảo Kerch

Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1941, các tàu vận tải của các căn cứ NovorossiyskTuapse đã sắp xếp đầy đủ người, vũ khí và hàng hóa lên tàu. Bốn hải đoàn vận tải chở theo Sư đoàn bộ binh 157 và Lữ đoàn xe tăng 63. Hai hải đoàn vận tải còn lại chở theo sư đoàn bộ binh 404. Do phải di chuyển xa hơn đến Feodosya, họ xuất phát ngày 25 tháng 12. Tại căn cứ Apana, hai hải đoàn vận tải cũng đã sắp xếp Sư đoàn bộ binh 236 lên tàu và xuất phát đi Feodosya. Ngày 26 tháng 12, Căn cứ hải quân Taman cũng hoàn thành việc chuẩn bị chuyển quân cho sư đoàn bộ binh 302 và xuất phát vào nửa đêm. Ở ven biển Azov, ngày 25 tháng 12, Phân hạm đội Azov đã chuẩn bị xong việc di chuyển cho Sư đoàn bộ binh 224 tại căn cứ Temryuk và Lữ đoàn bộ binh sơn chiến 12 tại bến tàu Kuchugury và xuất phát ngày 26 tháng 12. Các tàu tuần dương "Krasnyi Krym", "Krasnyi Kavkaz", các tàu khu trục "Nezamozhnik", "Shaumyan", "Zheleznyakov", các pháo hạm "Adzharistan Đỏ", "Abkhazia Đỏ", ​​"Georgia Đỏ" và Lữ đoàn tàu phóng lôi đã tạo thành các tuyến yểm hộ xen kẽ đội hình các tàu vận tải. Các tàu ngầm D-5, M51 và SS-201 đã tuần tra trên các luồng lạch dọc chuyển quân. Sư đoàn pháo binh 10 và Trung đoàn Katyusha 5 của Phương diện quân đã vào vị trí trên doi đất Chuska và điểm cao Ylich, sẵn sàng pháo kích qua eo biển Kerch.[17]

Trước bình minh ngày 27 tháng 12 khoảng 2 giờ, các tàu của căn cứ hải quân Taman đã đổ lên bờ 13.225 quân, 47 khẩu pháo và 198 súng cối lên các khu vực Kamysh Bugun, Eltigen và Staro Karantin, trên bờ biển phía Đông Kerch. Sư đoàn 302 đã tổ chức tấn công ngay dưới sự yểm hộ của pháo binh đặt trên doi đất Chuska và mỗi trung đoàn bộ binh đã đánh chiếm một đầu cầu nhỏ. Quân đoàn 42 (Đức) báo động, tướng Franz Mattenklott điều Sư đoàn bộ binh 46 tiến ra Kamysh Bugun chặn kích. Trong ba ngày từ 27 đến 30 tháng 12, Sư đoàn bộ binh 46 (Đức) không thể đẩy được Sư đoàn bộ binh 302 xuống biển, ngược lại, Quân đội Liên Xô còn mở rộng thêm căn cứ bàn đạp Kamysh Bugun và uy hiếp phía Nam Kerch.[9]

Đêm 27 tháng 12, các tàu vận tải của Phân hạm đội Azov đã đổ bộ 8.500 quân của Tập đoàn quân 51 lên phía Bắc Kerch. Tại mũi Zyuk ở phía Tây có 1.000 quân đổ bộ, tại mũi Khrony có 5.000 người. Cánh quân lớn nhất được đưa đến mũi Tarkhan gồm 6.000 người, 9 xe tăng hạng nhẹ T-26 và 10 khẩu pháo. Các đội đổ bộ đã nhanh chóng đánh tan các đơn vị tuần tiễu mỏng yếu của Sư đoàn sơn chiến 1 Romania, mở rộng các đầu cầu. Sáng 28 tháng 12, Sư đoàn bộ binh sơn chiến 1 Romania tổ chức phản đột kích hòng chiếm lại Ossoviny (Osovyny) nhưng các cuộc tấn công yếu ớt đều bị hỏa lực Katyusha của Trung đoàn pháo binh 5 đặt tại ilich từ bên kia eo biển bắn sang chặn đứng. Ngày 29 tháng 12, thêm 2.000 quân của Tập đoàn quân 51 đổ bộ lên các đầu cầu phía Bắc Kerch. Quân đội Liên Xô bắt đầu tổ chức tấn công. Lính Romania buộc phải lùi về Kerch, Bagerovo và Mayak Salyn.[14]

Ngày 28 tháng 12, đòn quyết định diễn ra tại Feodosya. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, 3 giờ sáng ngày 28 tháng 12, đội đổ bộ đầu tiên đã tiếp cận bờ biển quận Feodosya. Từ 4 giờ 30 đến 11 giờ 30 cùng ngày, 1.700 quân của Sư đoàn bộ binh 157 đã đổ bộ lên cảng Feodosya và bắt đầu tỏa ra đánh chiếm khu cảng. Các đội bảo vệ mỏng yếu của quân Romania nhanh chóng bị tiêu diệt. Lữ đoàn sơn chiến 4 (Romania) lập một vành đai quanh khu vực cảng Feodosya nhưng không thể ngăn cản quân đội Liên Xô tiếp tục đổ quân mỗi ngày một đông hơn. Đến ngày 31 tháng 12, 40.519 sĩ quan và binh sĩ Liên Xô thuộc các sư đoàn bộ binh 157, 236, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 9 (2 tiểu đoàn) và Lữ đoàn xe tăng 63 đã đổ bộ lên khu vực Feodosya. Hạm đội Biển Đen đã bốc dỡ lên bờ 43 xe tăng, 184 khẩu pháo, 50 súng cối cùng hàng vạn tấn đạn dược, vũ khí bộ binh, trang bị, lương thực, thực phẩm. Quân đội Lien Xô nhanh chóng phát triển tấn công lên phía Bắc và sang phía Tây. Đến ngày 1 tháng 2, họ đã lần lượt đánh chiếm các thị trấn Koktebel, Karagoz, Vladislavovka và Kyet. Ba sư đoàn Đức và Romania bị cô lập tại Đông Krym, bị chia cắt khỏi chủ lực Tập đoàn quân 11 (Đức).[18]

Trên phòng tuyến Koktebel - Kyet

Chiến sự trên mặt trận tháng 1, tháng 2 năm 1942

Từ ngày 29 tháng 12 năm 1941, các sư đoàn của Tập đoàn quân 51 đã tấn công ra khắp khu vực phía Đông bán đảo Kerch và đánh chiếm cảng Kerch. Ngày 30 tháng 12, Quân đoàn bộ binh 9 (Tập đoàn quân 51) đổ quân lên cảng Kerch. Các sư đoàn bộ binh 172, 184 (Tập đoàn quân 51) và Sư đoàn bộ binh 345 (Tập đoàn quân 47) cũng đổ quân lên Eltigen và đồng loạt tấn công về phía Tây.[19]

Ngày 31 tháng 12, thống chế Erich von Manstein ra lệnh ngừng cuộc tấn công ở Sevastopol để điều quân sang đối phó với mối đe dọa mới từ hướng Kerch. Ông ra lệnh cho tướng Franz Mattenklott phải rút quân ngay sang phía Đông. Tuy nhiên, tướng Franz Mattenklott đã bỏ Kerch lên máy bay về Simferopol từ ngày 30 tháng 12. Sư đoàn sơn chiến Romania tại Kol Taky (Zavitne) và Mareevka, phía Nam Eltigen cũng bỏ chạy về Marfovka để tránh bị bao vây. Quân đoàn bộ binh 42 (Đức) được tách thành ba cụm quân rút lui theo ba hướng. Sư đoàn bộ binh 46 (Đức) và Sư đoàn sơn chiến 1 Romania từ Marfovka rút theo đường bộ về Vladislavovka. Sư đoàn bộ binh 73 rút theo đường sắt từ Kerch về Ak Monai. Sư đoàn bộ binh 170 rút quân dọc theo bờ biển Azov về Sem Kolodezey (Lenino). Lý giải về việc giảm cường độ công kích Sevastopol và điều chủ lực Tập đoàn quân 11 sang hướng Kerch, Erich von Manstein viết:[20]

Cuộc đổ bộ của một quân đoàn Liên Xô tại Kerch và một quân đoàn khác tại Feodosya đã tạo ra một mối đe dọa sống còn đối với Tập đoàn quân 11 khi ở đó chỉ có hai sư đoàn Đức và hai sư đoàn Romania đang tác chiến. Còn chủ lực của tập đoàn quân đã dồn cả về quanh Sevastopol

— Erich von Manstein.

Ngày 1 tháng 1 năm 1942, Không quân Liên Xô tổ chức nhiều trận oanh tạc xuống các sân bay Sem Kolodezey và Vladislavovka, cắt đứt tuyến đường hàng không cuối cùng của Quân đoàn bộ binh 42 (Đức). Chiều ngày 1 tháng 1, Tập đoàn quân 44 đánh chiếm Vladislavovka, tiếp tục dồn quân Đức lên phía Bắc, đánh chiếm nhà ga Ak Monai. Ngày 2 tháng 1, một cụm quân lớn của Quân đoàn 42 gồm 5 trung đoàn của các sư đoàn bộ binh 73 và 170 bị Tập đoàn quân 44 và Tập đoàn quân 51 (Liên Xô) bao vây tại khu vực mỏ đá Ak Monai. Sang ngày 3 tháng 1, các sư đoàn bộ binh 244, 236, 302, 404 tập trung tiêu diệt các trung đoàn này. Tuy nhiên, do lực lượng bao vây mỏng và thiếu hỏa lực pháo binh yểm hộ nên quân Đức vẫn chọc thủng được phòng tuyến mới thiết lập của quân đội Liên Xô. Ngày 4 tháng 1, khi Quân đoàn bộ binh 9 (Tập đoàn quân 51) tiếp cận chiến trường thì 2 trung đoàn Đức đã thoát khỏi vòng vây qua ngả Kyet. Ba trung đoàn còn lại bị tiêu diệt và bắt sống. Ở phía Nam, Sư đoàn sơn chiến 1 (Romania) lợi dụng trận tuyến còn gián đoạn của Sư đoàn bộ binh 157 đã đột phá qua Vladislavovka, nhờ mũi đột kích của Sư đoàn kỵ binh 8 (Romania) từ Simferopol kéo ra chọc đến nhà ga Ak Monai để thoát khỏi vòng vây với những tổn thất nặng.[21]

Từ ngày 4 đến ngày 14 tháng 1, Quân đội Liên Xô tiếp tục đổ bộ lên bán đảo Krym. Tổng cộng đã có gần 260.000 quân được đưa đến Kerch sau 110 chuyến vận tải đổ bộ. Ngày 2 tháng 1, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ra Chỉ lệnh số № 170005 thành lập Phương diện quân Krym và giao nhiệm vụ cho Phương diện quân này tổ chức tấn công theo kế hoạch hành động trong năm 1942 để giải phóng Krym. Mệnh lệnh quy định Phương diện quân Krym là đơn vị chủ công tại mặt trận này, Cụm tác chiến ven biển đang phòng thủ Sevastopol phối thuộc Phương diện quân nhưng vẫn có thể chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ STAVKA.[8]

Ngày 5 tháng 1 năm 1942, sau khi được tăng viện Sư đoàn bộ binh 132, Quân đoàn 42 (Đức) tổ chức phản công vào cảng Feodosya. Sư đoàn bộ binh 279 vừa đổ bộ lên Feodosya đã phải bước vào giao chiến trong hành tiến. Ngày 6 tháng 1, Sư đoàn bộ binh 132 (Đức) tạm thời chiếm được khu cảng. Ngày 8 tháng 1, Phương diện quân Krym tiến hành đổ bộ Sư đoàn bộ binh 271 lên phía Đông Feodosya và tổ chức phản công, lấy lại được cảng Feodosya nhưng không đánh bật được quân Đức khỏi cứ điểm Koktebel, một bàn đạp quan trọng có khả năng khống chế khu cảng này bằng pháo binh. STAVKA lệnh cho tướng D. T. Kozlov phải yêu cầu Tập đoàn quân 44 tiếp tục phản kích để lấy lại cứ điểm quan trọng này, bảo đảm an toàn cho các tàu của Hạm đội Biển Đen ra vào cảng Feodosya. Tướng D. T. Kozlov hứa sẽ bắt đầu tấn công vào ngày 13 tháng 1.[9]

Ngày 14 tháng 1, trong khi không quân Đức tổ chức các cuộc tấn công vào các đoàn tàu vận tải của Hạm đội Biển Đen (Liên Xô) thì các tàu ngầm Đức tấn công các chiến hạm đang yểm hộ cho các chuyến vận tải. Các chiến hạm "Hồng quân", "Tashken" và "Zyrianin" bị đánh đắm. Chiến hạm "Kavkaz Đỏ" bị thương nặng hàng chục lỗ thủng lớn và được kéo về Tuapse, sau đó phải đưa về cảng Poti để sửa chữa trong một thời gian dài. Các toán biệt kích người nhái của Hải quân Đức được các tàu ngầm phóng ra đã gây ra các vụ phá hoại tại các cảng Taman, Anapa và Novorossiysk. Mặc dù các tàu ngầm Liên Xô đã phát hiện và đánh đắm 2 tàu ngầm Đức và không quân của Hạm đội Biển Đen cũng tăng số lần xuất kích nhưng vẫn chưa thể loại trừ nguy cơ máy bay Đức tấn công các đoàn tàu vận tải. Tổn thất của các chiến hạm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuyến vận tải mà còn làm mất đi sự yểm hộ của các pháo hạm Liên Xô đối với các hoạt động quân sự trên đất liền.[13]

Ngày 13 tháng 1, thời hạn tấn công đã đến nhưng D. T. Kozlov xin "khất" với Đại bản doanh Liên Xô cho lùi lại đến ngày 21 tháng 1 do chưa chuẩn bị đủ đạn pháo và nhiên liệu cho xe tăng. Sự chậm trễ của vị Tư lệnh Phương diện quân Krym đã đem đến một "dịp may" cho Tập đoàn quân 11 (Đức). Ngày 15 tháng 1, các sư đoàn bộ binh 46 và 50 (Đức) bất ngờ mở cuộc đột kích vào Vladislavovka. Các sư đoàn bộ binh 138 và 302 (Liên Xô) không chống đỡ nổi đã phải rút lui và để mất cả cứ điểm Koy Aksan trên con đường sắt đi Vladislavovka. Trong khi quân đội Liên Xô cố chặn mũi đột kích ở giữa mặt trận thì ngày 16 tháng 1, các sư đoàn bộ binh 28, 132 (Đức) và Lữ đoàn sơn chiến 4 (Romania) có sự yểm hộ của Lữ đoàn cơ giới Groddeka (sau này trở thành Sư đoàn cơ giới "Großdeutschland") mở cuộc tấn công thứ hai vào Feodosya. Ngay trong ngày giao chiến đầu tiên, tướng A. N. Pervushin đã bị thương nặng và phải vào bệnh viện quân y ở Daln Kamyshi điều trị. Thiếu tướng I. F. Dashichev, Tư lệnh Quân đoàn bộ binh (Tập đoàn quân 51) được bổ nhiệm thay thế nhưng đã không còn chỉ huy được quân đội. Ngày 18 tháng 1, quân Đức chiếm cảng Feodosya lần thứ hai. Mất hải cảng quan trọng này, Hạm đội Biển Đen phải sử dụng cảng Kerch ở xa mặt trận trong khi vận tải đường bộ từ Kerch ra mặt trận không thuận tiện. Cũng trong những ngày này, các sư đoàn bộ binh 73 và 170 (Đức) và Sư đoàn bộ binh 19 (Romania) đã đánh bật các sư đoàn bộ binh 271 và 320 (Liên Xô) khỏi Kyet, đẩy lùi họ về ga Tulumchak.[14]

Các trận đánh trong tháng 3, tháng 4 năm 1942

Nhằm giúp Phương diện quân Krym ổn định lại phòng thủ để tiếp tục tấn công, ngày 20 tháng 1 năm 1942, STAVKA cử Chính ủy Tập đoàn quân bậc nhất (tương đương thượng tướng) L. D. Mekhlis đến phương diện quân này với tư cách là đại diện toàn quyền của Đại bản doanh. Vừa đến mặt trận, L. D. Mekhlis đã đặt vấn đề "trừng phạt" trước khi bàn đến kế hoạch phòng thủ và tấn công. Ngày 21 tháng 1, ông ta ra lệnh bắt giam tướng I. F. Dashichev và đưa ra tòa án binh về tội để mất hải cảng Feodosya. I. F. Dashichev bị xử 4 năm tù và bị tước quân hàm cùng tất cả các huân huy chương. Thiếu tướng K. F. Baronov, tư lệnh Tập đoàn quân 47 bị thương nặng trong chiến đấu cũng bị L. D. Mekhlis giáng chức làm Phó tư lệnh tập đoàn quân 51. Tướng A. N. Pervushin tạm thời chưa bị "thanh trừng" vì đang nằm viện. Đại tá tham mưu trưởng S. E. Rozhdestvensky thay ông chỉ huy Tập đoàn quân 44.[22][a] Để tăng cường cho Phương diện quân Krym, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 2, STAVKA cho đổ bộ Tập đoàn quân 47 của tướng K. S. Kolganov vừa rút từ biên giới Liên Xô-Thổ Nhĩ Kỳ về. Nó bao gồm 6 sư đoàn bộ binh, Lữ đoàn xe tăng hạng nhẹ 54 và 2 trung đoàn pháo binh.[9]

Trong khi các cấp chỉ huy của Bộ tư lệnh Phương diện quân Krym và chỉ huy các tập đoàn quân, quân đoàn, sư đoàn tiến hành "kiểm điểm" thì quân Đức vẫn tiếp tục các chiến dịch quân sự để dần dần loại trừ mối đe dọa từ hướng Kerch. Mặc dù Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã thúc ép dữ dội nhưng Erich von Manstein cho rằng chưa thể hành động quyết liệt ngay mà cần làm suy yếu dần dần Phương diện quân Krym của Liên Xô. Sau khi chiếm được Feodosya, quân Đức tích cực phong tỏa đường biển, bầu trời và tiến hành các chiến dịch nhỏ, đánh chiếm từng vị trí của quân đội Liên Xô trên phòng tuyến. Ngày 23 tháng 3, Sư đoàn bộ binh 22 (Đức) và Lữ đoàn kỵ binh 8 (Ronmania) men theo doi đất Arabat tấn công Trung đoàn pháo binh 456 (Liên Xô), đánh bật cuộc phản kích của Lữ đoàn bộ binh 12, chiếm các vị trí có lợi ở phía Bắc mỏ đá Ak Monai.[3]

Vào lúc quân đội Liên Xô trên khắp mặt trận Kerch đang phải đối phó với sức ép ngày càng tăng của quân đội Đức Quốc xã thì tướng L. D. Mekhlis dùng quyền đại diện tối cao của STVKA tại mặt trận để tiến hành các cuộc kiểm điểm về cái gọi là "tình hình tồi tệ, xấu xí do việc không tổ chức và chỉ huy được quân đội của Bộ tư lệnh Phương diện quân Krym gây ra".[23] Tại cuộc họp Hội đồng quân sự Phương diện quân ngày 28 tháng 2, tướng F. I. Tolbukhin, tham mưu trưởng phương diện quân cho rằng vị đại diện Đại bản doanh đã báo cáo bôi đen tình hình của Phương diện quân và yêu cầu tập trung bàn về các kế hoạch chiến dịch sắp tới. F. I. Tolbukhin cho rằng chưa thể tấn công mà cần phải phòng ngự tích cực vì Phương diện quân bị tiêu hao về người và phương tiện trong các cuộc đổ bộ và các trận đánh ác liệt trong hai tháng vừa qua. Kết quả là ngày 10 tháng 3, L. D. Mekhlis cách chức F. I. Tolbukhin và đưa tướng P. P. Veshnyi (phụ tá của L. D. Mekhlis) lên thay. F. I. Tolbukhin bị điều đi làm Phó chỉ huy khu phòng thủ Stalingrad.[22]

Tướng P. P. Vechnyi "ra mắt" bằng cuộc tấn công vào ngày 13 tháng 3, sử dụng những lực lượng còn tương đối sung sức của Tập đoàn quân 47 đánh qua eo đất Papashky nhằm chiếm lại Kyet. Qua 5 ngày tấn công, Tập đoàn quân 47 bị tổn thất nặng nề và chỉ tiến lên dược từ 7 đến 8 km. Ngày 18 tháng 3, Tập đoàn quân 47 phải dừng tấn công. Ngày 19 tháng 3, Tập đoàn quân 51 bắt đầu tấn công trên hướng Koy Aksan, Tập đoàn quân 44 cũng được lệnh tấn công trên hướng Feodosya trong điều kiện họ bị thiếu hụt quân số nghiêm trọng. Các trận đánh "vỗ mặt" của các Tập đoàn quân Liên Xô diễn ra hết sức ác liệt trước mật độ phòng ngự ngày một tăng lên của Tập đoàn quân 11 (Đức). Ngày 26 tháng 3, Tập đoàn quân 51 phải trả một giá hết sức đắt mới chiếm lại được Koy Aksan. Trong khi đó, các đòn tấn công của Tập đoàn quân 44 quá yếu ớt đến mức nó chỉ tiến được thêm 800 mét đến 1 km sau 12 ngày tấn công. Trong các trận đánh từ 13 đến 29 tháng 3, Phương diện quân Krym bị tổn thất rất nặng về xe tăng và xe thiết giáp. Lữ đoàn thiết giáp lội nước 56 mất 88 chiếc, Lữ đoàn xe tăng 55 mất 8 chiếc, Lữ đoàn xe tăng 39 mất 23 chiếc, Lữ đoàn xe tăng 40 mất 18 chiếc, Trung đoàn xe tăng 24 mất 17 chiếc, Tiểu đoàn xe tăng độc lập 229 mất 3 chiếc.[8]

Trong tháng 2 và tháng 3 năm 1942, Tổng hành dinh Đức Quốc xã đã tăng viện cho Tập đoàn quân 11 (Đức) Sư đoàn bộ binh 28 và Sư đoàn xe tăng 22 đều từ Pháp sang, gồm 45 chiếc Panzer II, 77 chiếc Panzer 38(t) và 20 chiếc Panzer IV. Ion Antonescu, thủ tướng Romania cũng gửi cho Thống chế Erich von Manstein Quân đoàn bộ binh 7 từ quân đội của ông ta. Không còn cách nào khác, STAVKA phải tiếp tục tăng viện dù là ít ỏi cho Phương diện quân Krym để cân bằng lực lượng. Tổng cộng đã có thêm 54 xe tăng (trong đó có 13 xe tăng hạng nhẹ T-26) được bổ sung cho các lữ đoàn xe tăng 39, 40, 56, Trung đoàn xe tăng 24 và Tiểu đoàn xe tăng độc lập 229.[3]

Xét thấy không đủ lực lượng để tiếp tục tấn công, ngày 6 tháng 4, tướng D. T. Kozlov yêu cầu được chuyển sang phòng ngự và bố trí lại quân theo tình huống phòng ngự. Tuy nhiên, L. D. Mekhlis cho rằng D. T. Kozlov đã thoái chí và đề nghị I. S. Stalin cho thay Tư lệnh Phương diện quân bằng một người khác. Dùng quyền lực của dại diện Đại bản doanh, L. D. Mekhlis yêu cầu D. T. Kozlov tiếp tục tấn công. Ngày 15 tháng 4, một mệnh lệnh của STAVKA được gửi đến Bộ Tư lệnh Phương diện quân Krym yêu cầu chuyển sang tư thế phòng ngự và định thời hạn cho mọi việc phải hoàn tất trước ngày 30 tháng 4. Ngày 17 tháng 4, một hội nghị quân sự của các tướng lĩnh Phương diện quân Krym được tổ chức để triển khai chỉ lệnh của STAVKA và như thường lệ ở Krym đầu năm 1942, hội nghị này biến thành cuộc cãi vã vô bổ giữa L. D. Mekhlis và D. T. Kozlov về cái gọi là "nhiệm vụ tăng cường chống lại các phần tử mất tinh thần tiến công trong quân đội".[9]

Trong khi đó thì thời gian không trôi đi một cách vô ích. Thống chế Erich von Manstein sau khi nắm trong tay các lực lượng tăng viện đã chuẩn bị cho một đòn quyết định. Ngày 28 tháng 4, Adolf Hitler đã phê chuẩn kế hoạch phản công của Tập đoàn quân 11 mang mật danh "Săn đại bàng" và cho phép Erich von Manstein được toàn quyền điều hành lực lượng hải quân Đức ở Biển Đen cũng như yêu cầu tướng Alexander Löhr yểm trợ bằng không quân bất kỳ lúc nào thấy cần thiết.[15]

Chiến dịch "Săn đại bàng"

Trong khi ở Phương diện quân Krym (Liên Xô) diễn ra những cuộc tranh cãi về các vấn đề vụn vặt giữa L. D. Mekhlis và D. T. Kozlov về chiến thuật bố trí phòng ngự chuyển sang phản công thì trinh sát của Tập đoàn quân 11 (Đức) đã tìm ra một chỗ yếu chí tử của Phương diện quân này. Đó là tuyến phòng ngự của Tập đoàn quân 44 (Liên Xô) ở khu vực ven biển phía Nam bán đảo Kerch. Ngoài ra, toàn bộ 10 sư đoàn bộ binh của Phương diện quân Krym đều dàn hàng ngang theo đội hình tấn công trên tổng chính diện 27 km. Chiều sâu phòng ngự rất nông, chỉ có 2 sư đoàn bộ binh và 6 lữ đoàn, tiểu đoàn độc lập đều đóng cách tiền duyên từ 3 đến 10 km. Tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ dài gần 50 km, một vị trí rất đắc địa trong phòng thủ chỉ có 1 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn cơ giới và 1 tiểu đoàn kỵ binh đóng giữ.[18]

Bộ tham mưu Tập đoàn quân 11 (Đức) đã bố trí lại lực lượng. Quân đoàn bộ binh 30 và Sư đoàn xe tăng 22 vốn được coi là lực lượng dự bị ở thê đội 2 đã được điều đến phía Bắc Feodosya. Sư đoàn bộ binh nhẹ 28 và sư đoàn 170 cũng được chuyển từ cánh trái (khu vực Kyet) sang cánh phải nhằm tăng mật độ tấn công của Quân đoàn 30. Quân đoàn bộ binh 7 (Romania) được thế vào vị trí của Sư đoàn bộ binh 28. Đến ngày 6 tháng 5, trên chiến tuyến đã có 5 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn xe tăng và 1 lữ đoàn cơ giới (Đức), 3 sư đoàn và 1 lữ đoàn Romania. Trong đó, hướng ven biển phía Nam bán đảo Kerch tập trung 5 sư đoàn bộ binh và toàn bộ lực lượng xe tăng, cơ giới Đức có mặt tại hướng Kerch.[20] Đối diện với lực lượng này, Phương diện quân Krym vẫn chiếm ưu thế về người (2:1), pháo binh (1,8:1), xe tăng (1,2:1). Quân Đức chiếm ưu thế trên không với tỷ lệ 1,7:1.[24]

Ngày 8 tháng 5, Sư đoàn xe tăng 22 (Đức) dẫn đầu cuộc đột kích vào kẽ hở giữa Sư đoàn bộ binh 279 và Lữ đoàn bộ binh 63 (nguyên là Lữ đoàn xe tăng 63) ở phía Bắc Daln Kamyshi (Prymorskyi). Ngay trong buổi sáng ngày đầu tấn công, quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến của quân đội Liên Xô sâu đến 8 km, đánh chiếm Daln Kamyshi ở phía Nam và Akma Yli (Batalne) ở phía Bắc. Trung đoàn pháo binh 53 (thuộc lực lượng tăng cường) đóng ở Uzun Ayak bị mất toàn bộ số pháo và phải lùi về Seitdzheut (Yuzhne). Các sư đoàn bộ binh 279, 396 (Liên Xô) bị dồn lên phía Bắc. Sư đoàn bộ binh 404 được điều ra bịt cửa mở trên hướng Seitdzheut. Chiều ngày 8 tháng 5, tướng D. T. Kozlov điều các lữ đoàn xe tăng 39 và các tiểu đoàn xe tăng độc lập 124, 126 tiến ra phản kích. Song, các đơn vị xe tăng này hoạt động không tập trung nên Sư đoàn xe tăng 22 và Lữ đoàn cơ giới "Großdeutschland" (Đức) dễ dàng bẻ gãy từng mũi phản kích. Riêng tiểu đoàn xe tăng 126 đã lao vào cuộc tử chiến và đánh lùi Sư đoàn bộ binh 132 nhưng cũng bị mất toàn bộ xe tăng. Ngày 9 tháng 5, các sư đoàn bộ binh 28 và 132 (Đức) có Lữ đoàn cơ giới "Großdeutschland" mở đường đã đánh lui sức kháng cự của Sư đoàn bộ binh 404 (Liên Xô) và tiếp tục khoét sâu "lỗ thủng" ở phía Nam bán đảo Kerch thêm 20 km về phía Tây. Sư đoàn xe tăng 22 (Đức) quay mũi lên phía Bắc, Sư đoàn bộ binh 50 tấn công lên ga Ak Monai.[3]

Từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 5, tướng D. T. Kozlov điều các lữ đoàn xe tăng 40, 56 và Tiểu đoàn xe tăng 229 đã suy yếu cố gắng chặn đường tiến lên phía Bắc của Sư đoàn xe tăng 22 (Đức). Trong các trận đánh ngày 9 tháng 5 tại điểm cao Syuruk Oba, Tiểu đoàn xe tăng 229 chỉ có 16 xe tăng KV đã bắn cháy 28 xe tăng Đức và chịu mất 13 chiếc KV. Nhưng không phải đơn vị xe tăng nào của Phương diện quân Krym cũng làm được như vậy. Lữ đoàn xe tăng 40 có đến 11 xe tăng KV, 6 xe tăng T-34, 25 xe tăng hạng nhẹ T60 mặc dù chiến đấu bên cạnh Trung đoàn pháo binh 77 (Tập đoàn quân 51) nhưng đã không hề có sự phối hợp hiệp đồng và đã thất bại nặng nề trước Trung đoàn xe tăng 204 (Sư đoàn xe tăng 22 - Đức). Tại điểm cao Kosh Oba, Sư đoàn bộ binh 138 (Liên Xô) cũng bị các sư đoàn bộ binh 28, 50 (Đức) bao vây và đánh thiệt hại nặng. Mất hai điểm cao quan trọng ở Syuruk Oba và Kosh Oba, cánh Bắc của Phương diện quân Krym có nguy cơ bị hợp vây. Ngày 11 tháng 5, thêm một thiệt hại lớn đến với Quân đội Liên Xô. Trong trận ném bom dữ dội của không quân Đức vào Sở chỉ huy Tập đoàn quân 51 trên núi Koncha, tướng V. N. Lvov, tư lệnh Tập đoàn quân đã tử trận. Đại tá I. D. Kotov, tham mưu trưởng Tập đoàn quân 51 tạm thời thay ông.[25]

Qua báo cáo của Tư lệnh Phương diện quân Krym D. T Kozlov, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã sớm nhận thấy ý đồ dùng đòn vu hồi từ hướng Biển Đen để hợp vây các tập đoàn quân 47 và 51 (Liên Xô) ở phía bắc bán đảo Kerch trong khu vực Ak Monai - Astaban và báo cáo khẩn cấp lên I. V. Stalin. Ngày 9 tháng 5, Tổng tham mưu trưởng G. K. Zhukov thay mặt Đại bản doanh đã ký điện khẩn số 170514 gửi Bộ tư lệnh Phương diện quân Krym yêu cầu rút quân ngay về tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ để tổ chức phòng thủ nhưng L. D. Mekhlis phớt lờ lệnh này và yêu cầu tướng D. T. Kozlov buộc các tập đoàn quân phải "giữ vững trận địa đang chiếm lĩnh".[26]

Quân Đức cố ý giữ cho mặt trận đối diện với Tập đoàn quân 47 của tướng K. S. Kolganov yên tĩnh trong ba ngày để chờ đợi cánh quân của Sư đoàn xe tăng 22 cắt đứt con đường sắt Vladislavovka - Kerch. Ngày 11 tháng 5, khi Sư đoàn xe tăng 22 (Đức) đã băm nát hậu cứ của Tập đoàn quân 51 (Liên Xô) tại khu vực Ak Monai và bắt đầu đột kích lên phía Bắc thì Sư đoàn bộ binh 46 (Đức) và Quân đoàn bộ binh 7 (Romania) mới phát động tấn công. Trước nguy cơ bị bao vây, tướng K. S. Kolganov buộc phải rút quân về phía Tây. Trên cánh Nam, các sư đoàn bộ binh 132 và 170 (Đức) đã dồn Tập đoàn quân 44 (Liên Xô) lúc này đã rất suy yếu về tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ. Đến lúc này, tướng D. T. Kozlov mới nghĩ đến việc thiết lập tuyến phòng thủ tại Lũy Thổ Nhĩ Kỳ nhưng quân Đức đã đi trước một bước. Ngày 12 tháng 5, Sư đoàn xe tăng 22 và Quân đoàn bộ binh 42 (Đức) đổi hướng về phía Đông, tiến dọc đường sắt, đánh chiếm Agibel (Luhove) và tiến rất nhanh về Leninske. Sư đoàn bộ binh 390 và Tiểu đoàn kỵ binh 72 phải yểm hộ Bộ tư lệnh Phương diện quân Krym rút về Kerch. Liên lạc giữa D. T. Kozlov và các tập đoàn quân hoàn toàn bị gián đoạn. Ở phía Nam, Quân đoàn 30 có Lữ đoàn cơ giới "Großdeutschland" mở đường tiếp tục đẩy lùi Tập đoàn quân 44, đánh chiến Chaltemir và lao đến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ. Ở cánh Bắc, Tập đoàn quân 47 (Liên Xô) vừa đánh, vừa lùi dần về Kiyat rồi Sem Kolodezey trong khi bị liên quân Đức-Romania liên tục dồn ép và tập kích.[27]

Ngày 12 tháng 5, các sư đoàn bộ binh 143, 156 và 396 cùng các tiểu đoàn xe tăng 124, 126 cố giữ tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ để 7 sư đoàn bộ binh còn lại của các tập đoàn quân 47 và 51 rút qua. Ngày 13 tháng 5, 6 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Romania đã phá vỡ tuyến phòng thủ mỏng yếu của quân đội Liên Xô trên tuyến Lũy Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu dồn các sư đoàn còn lại của Phương diện quân Krym về Mỏm Kerch. Hạm đội Biển Đen được báo động khẩn cấp, hàng trăm tàu bè được gửi đến Kerch để hỗ trợ cho cuộc rút quân. Từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 5, Hạm đội Biển Đen đã thực hiện hàng trăm chuyến vận tải từ cảng Kerch và mũi Yenikale, chuyên chở hơn 130.000 sĩ quan và binh sĩ còn lại của Phương diện quân Krym thoát sang bán đảo Taman.[28]

Ngày 20 tháng 5, những toán quân cuối cùng của Phương diện quân Krym đã lên tàu của Hạm đội Biển Đen tại mũi Yenikale và sơ tán sang Taman trong làn đạn bắn đuổi theo của pháo binh Đức. Tuy nhiên không phải tất cả quân số còn lại của Phương diện quân Krym đều đi thoát. Vẫn còn lại từ 10.000 đến 15.000 quân Liên Xô thuộc các sư đoàn bộ binh, các trung đoàn, tiểu đoàn pháo binh, kỵ binh cùng gần nửa quân số của Trung đoàn 276 NKVD, những người lãnh trách nhiệm cản hậu cho đại quân rút lui đã bị kẹt lại tại khu mỏ đá Adzhimushkay. Tại đây, họ đã tiếp tục chiến đấu đến người cuối cùng và chỉ chịu chấm dứt kháng cự ngày 30 tháng 10 năm 1942 khi không còn một viên đạn.[29]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_bán_đảo_Kerch_(1942) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/battles/Cri... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1942S/... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://rus-sky.com/history/library/w/w07.htm http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://ww2stats.com/cas_ger_var_all.html